Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thứ ba, 03-10-2023 16:30 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Bệnh lao phổi thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Mỗi năm, có hơn 1,5 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Vậy cụ thể, nguyên nhân gây lao phổi là gì? Triệu chứng và cách điều trị ra sao? Mời các bạn tìm hiểu ở bài viết dưới đây!

 

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi là gì?

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi là gì?

 

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi là gì?

   Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis.

   Thực tế, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch - tiết niệu, lao ruột… Trong đó, bệnh lao phổi thường gặp nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

   Con đường lây lan của bệnh là do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ… Một người bệnh lao phổi có thể lây nhiễm cho 10 - 15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong vòng 1 năm.

 

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh lao phổi

   Lao phổi là bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số đối tượng dưới đây có nguy cơ cao mắc bệnh này:

  • Người bị suy giảm miễn dịch: Nhiễm HIV, ung thư...
  • Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em
  • Người bị các bệnh mạn tính: Loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mãn…
  • Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá…
  • Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…

 

Triệu chứng bệnh lao phổi là gì?

Triệu chứng bệnh lao phổi là gì?

 

Triệu chứng bệnh lao phổi

   Khi bị mắc bệnh lao phổi, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng bao gồm:

  • Ho và khạc đờm: Khi bạn ho và khạc đờm trên 3 tuần nhưng không phải do bệnh viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi… đã dùng nhiều loại thuốc vẫn không đỡ thì cần nghĩ ngay đến lao phổi. Đặc biệt, nếu bạn khạc đờm xanh trên 3 tuần, khả năng mắc bệnh lao phổi càng tăng cao.
  • Ho ra máu: Đây là biểu hiện điển hình của bệnh lao phổi, có đến 60% những người mắc lao phổi xuất hiện triệu chứng này.
  • Đau ngực, khó thở: Ho quá nhiều sẽ gây ức chế lên phế quản, khiến người bệnh khó thở, đau ngực. Tổn thương phổi càng nhiều, người bệnh càng khó thở.
  • Gầy, sụt cân: Trường hợp gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, dù đã bồi dưỡng cơ thể nhưng trọng lượng vẫn không cải thiện thì bạn hãy nghĩ ngay đến lao phổi.
  • Sốt về chiều: Người bệnh có thể sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ, gai lạnh về chiều. Khi có dấu hiệu này cùng với các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu... thì khả năng cao bạn đã bị lao phổi.
  • Đổ mồ hôi đêm: bệnh lao phổi dễ gây mất ngủ do ho, sốt kèm đổ mồ hôi đêm.
  • Mệt mỏi, chán ăn: Người bệnh lao luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ, không muốn ăn uống, thiếu năng lượng, chỉ muốn nằm cả ngày.

   Lưu ý, không phải ai bị lao phổi cũng có tất cả các biểu hiện trên. Hơn nữa, các triệu chứng như ho, đờm, khó thở lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác. Do đó, để biết mình có nhiễm vi khuẩn lao hay không, bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác!

 

Cách chẩn đoán xác định bệnh lao phổi như thế nào?

Cách chẩn đoán xác định bệnh lao phổi như thế nào?

 

Cách chẩn đoán xác định bệnh lao phổi

   Phương pháp chẩn đoán xác định bệnh lao phổi bao gồm chụp Xquang và xét nghiệm cận lâm sàng.

   Với xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm thường là đờm hoặc chất hút từ dạ dày nếu người đó không biết khạc đờm (như trẻ em). Người bệnh sẽ được lấy mẫu 3 lần:

  • Mẫu 1 lấy lúc khám bệnh.
  • Mẫu 2 lấy lúc sáng sớm hôm sau khi người bệnh ngủ dậy.
  • Mẫu 3 lấy tại chỗ khám khi mang mẫu đờm 2 đến khám.

   Người bệnh sẽ được thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Nhuộm soi trên kính hiển vi quang học bằng phương pháp Ziehl- Neelsen, trực khuẩn bắt màu đỏ.
  • Phương pháp sinh học phân tử giúp xác định trực khuẩn lao trong trường hợp số lượng trực khuẩn rất ít.
  • Phương pháp miễn dịch có tác dụng bổ sung chẩn đoán.

   Bệnh lao phổi được chẩn đoán xác định khi có các kết quả xét nghiệm như sau:

  • Có trực khuẩn kháng cồn, kháng toan trong đờm khi nhuộm Ziehl-Neelsen, thường gọi là AFB (+)
  • Phản ứng dương tính với kháng nguyên đặc hiệu của trực khuẩn lao (Phản ứng Mantoux +)
  • Có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi (thâm  nhiễm hoặc phá hủy thành hang) trên X quang.
  • Cấy đờm tìm thấy trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) ở các môi trường đặc hiệu.

 

 Cách điều trị bệnh lao phổi là gì?

Cách điều trị bệnh lao phổi là gì?

 

Cách điều trị bệnh lao phổi

    Sau khi đã chẩn đoán xác định bệnh lao phổi, tùy thể trạng và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp. Trong đó, phương pháp điều trị phổ biến nhất là sử dụng các thuốc kháng lao với 2 nhóm chính bao gồm:

  • Thuốc chống lao thiết yếu: Isoniazid, rifampicin, pyrazinamid, streptomycin, ethambutol.
  • Thuốc chống lao hàng 2: Kanamycin, amikacin, capreomycin; nhóm fluoroquinolones.

   Người bệnh cần dùng thuốc điều trị bệnh lao phổi theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa lao tái phát. Điều này rất quan trọng bởi nguy cơ lao tái phát khá cao và tỉ lệ chữa khỏi giảm thấp hơn chỉ được 75%.

 

Cách phòng ngừa bệnh lao phổi

   Để phòng ngừa mắc bệnh lao phổi, bạn nên tham khảo các biện pháp sau:

  • Tiêm phòng bệnh lao phổi: Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh mắc căn bệnh này. Cha mẹ nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phòng chống lao theo chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người đang bị bệnh lao phổi.
  • Người bệnh lao phổi tránh lây nhiễm cho cộng đồng bằng cách:
  1. Cách ly, không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người.
  2. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
  3. Ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm đúng nơi quy định
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục và tắm nắng thường xuyên, không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…
  • Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc thường xuyên
  • Khám sức khỏe định kỳ

   Đến đây, hy vọng các bạn đã nắm được thông tin chi tiết về bệnh lao phổi. Căn bệnh này có thể điều trị khỏi nhưng vẫn làm sụt giảm sức khỏe người bệnh, đồng thời nguy cơ tái phát cao. Do đó, bạn nên phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu, chúc các bạn sức khỏe!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222