Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

Thứ năm, 05-10-2023 16:45 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Bệnh bạch hầu là một bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn sống trong vùng hầu họng của bệnh nhân. Sau nhiều năm im ắng thì dịch bạch hầu đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại và có nguy cơ lây lan ở các tỉnh phía Bắc. Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu về bệnh bạch hầu để có thể có thể nhận biết và phòng tránh căn bệnh này nhé!

 

Bệnh bạch hầu có những dấu hiệu nhận biết nào?

Bệnh bạch hầu có những dấu hiệu nhận biết nào?

 

Bệnh bạch hầu là gì?

   Bệnh bạch hầu là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản mũi. Ngoài ra, bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Vi khuẩn này có khả năng sống lâu trong vùng hầu họng của người bệnh.

   Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc người lớn có miễn dịch kém, có khả năng khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch. Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh cao, khoảng từ 5 - 10%.

 

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường nào?

   Bệnh bạch hầu có thể lây truyền từ người qua người một cách trực tiếp và gián tiếp như sau:

  • Lây truyền trực tiếp: Cả người bệnh và người lành đều mang vi khuẩn. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu từ vài ngày đến 3 - 4 tuần. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp do người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nói, ho, hắt hơi, bệnh lây truyền đặc biệt nhanh ở những nơi đông người.
  • Lây truyền gián tiếp: Bệnh bạch hầu còn có thể lây lan gián tiếp qua các dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt, mặt sàn, tay vịn cầu thang,... Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí vài tuần. Trên đồ vải, chúng có thể sống được 30 ngày, và tồn tại trong nước, sữa đến 20 ngày. Do đó, việc người lành bị lây truyền gián tiếp khi sử dụng các vật dụng của người nhiễm bệnh rất dễ xảy ra.

 

Phân loại bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu cổ điển

   Đây là loại bệnh bạch hầu phổ biến, chúng ảnh hưởng đến vùng hô hấp trên như mũi, cổ họng, amidan và thanh quản.

  • Bạch hầu ở họng, mũi: Lớp giả mạc dài và dai màu trắng ngà bám vào amidan hoặc có thể lan rộng và bao phủ cả vùng vòm họng.
  • Bạch hầu thanh quản: Lớp giả mạc tại thanh quản hoặc từ vòm họng lan xuống dưới.
  • Bạch hầu cấp (bạch hầu ác tính): Giả mạc trắng ngà lan rộng.

Bệnh bạch hầu ngoài da

   Đây là thể bệnh bạch hầu hiếm gặp. Bệnh nhân bị phát ban da, có các vết loét hoặc mụn nước ở bất kỳ đâu trong cơ thể. Thể bệnh này xuất hiện nhiều hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc khu dân cư đông đúc, điều kiện sinh hoạt và vệ sinh kém.

 

Bệnh bạch hầu có triệu chứng gì?

   Các triệu chứng bệnh bạch hầu khác nhau tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh:

Bạch hầu họng, amidan

  • Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ khoảng 37,5 - 38oC, da xanh, sổ mũi một hoặc 2 bên, nước muối có thể lẫn máu.
  • Sau 2-3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amidan, dễ gây chảy máu nếu bóc tách, sau khi bóc tách thì sẽ mọc lại rất nhanh sau vài giờ. Lớp giả mạc này có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
  • Trong một số trường hợp, bệnh nhân sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.
  • Trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê.
  • Nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.

 

Bệnh nhân bị đau cổ, khó nuốt, xuất hiện giả mạc trắng trong cổ họng

Bệnh nhân bị đau cổ, khó nuốt, xuất hiện giả mạc trắng trong cổ họng.

 

Bạch hầu thanh quản

  • Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm, hay gặp ở trẻ từ 2-5 tuổi, hiếm gặp ở trẻ dưới 1 tuổi và người lớn.
  • Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, khó thở chậm thì hít vào, có tiếng rít thanh quản khi thở, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống.
  • Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

Bệnh bạch hầu mũi trước

  • Bệnh này hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh.
  • Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi.
  • Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

   Ngoài những vị trí kể trên, vi khuẩn còn gây bệnh ở một số vị trí khác nhưng rất hiếm và có tiến triển bệnh nhẹ.

Biến chứng bệnh bạch hầu

   Bệnh bạch hầu nếu không được xử trí và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Viêm cơ tim: Đây là biến chứng thường gặp và nghiêm trọng của bệnh bạch hầu. Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc chậm vài tuần sau khi khỏi bệnh. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao.
  • Viêm dây thần kinh: Độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt như liệt màng khẩu cái, liệt vận nhãn, liệt chi dưới, liệt chi trên, liệt thực quản, liệt thanh quản, liệt cơ hoành.... Trong đó, liệt màng hầu thường xuất hiện vào tuần thứ 3 của bệnh, khiến bệnh nhân bị rối loạn nuốt và nói. Liệt cơ hoành gây ra tình trạng viêm phổi và suy hô hấp,...
  • Tử vong: Bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 5 - 10%.

 

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

   Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay, Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, bạn bạn nên đưa trẻ tiêm các loại vắc xin phối hợp có chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu.  Hiện nay, vắc xin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi tại các Trạm Y tế.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
  • Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
  • Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

 

Hướng dẫn phòng chống bệnh bạch hầu của Bộ Y tế.

Hướng dẫn phòng chống bệnh bạch hầu của Bộ Y tế.

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu, đường lây truyền cũng như các phương pháp phòng bệnh. Bạch hầu là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc xin đầy đủ, đến bệnh viện điều trị ngay khi có triệu chứng bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222