Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tìm hiểu về hội chứng ngưng thở khi ngủ

Thứ ba, 01-08-2023 14:04 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Ngủ là khoảng thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe sau một ngày hoạt động mệt mỏi. Vì vậy, nếu giai đoạn này có vấn đề, chẳng hạn như bị hội chứng ngưng thở khi ngủ thì cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn sẽ sụt giảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

 

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

 

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

   Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng mà một người bị ngừng thở từ 10 giây trở lên trong lúc ngủ, làm giảm khả năng thông khí của cơ thể. Một đêm có thể xảy ra tới 400 lần ngưng thở ngắn.

   Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở tuổi trung niên, tỉ lệ nam giới gặp nhiều hơn nữ. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà các chuyên gia phân loại chứng ngưng thở khi ngủ như sau:

Ngưng thở tắc nghẽn

   Ngưng thở tắc nghẽn xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc một phần hay hoàn toàn trong lúc ngủ bởi các nguyên nhân như lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to, bất thường về xương hàm…

   Nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn tăng gấp 4 lần ở nam giới và gấp 7 lần ở những người béo phì (BMI > 30).

Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA)

   Hội chứng này xảy ra do sự mất cân bằng tại trung tâm điều khiển hô hấp trong lúc ngủ, khiến não bộ không gửi được tín hiệu để điều khiển hoạt động hô hấp.

   Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân bị tổn thương não như khối u, bệnh lý về mạch máu, bệnh lý về thần kinh…

Ngưng thở khi ngủ kiểu hỗn hợp (MSA)

   Người mắc hội chứng này có cả tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp trên và nguyên nhân trung ương.

 

Các triệu chứng ngưng thở khi ngủ

   Một số triệu chứng thường gặp ở người ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Ngủ ngáy kèm theo cơn ngừng thở ngắn, ngạt thở.

 

Người ngưng thở khi ngủ thường hay bị ngủ ngáy

Người ngưng thở khi ngủ thường hay bị ngủ ngáy

 

  • Giấc ngủ bị rối loạn: Những cơn ngưng thở ngắn khiến cơ thể bị giảm nồng độ oxy trong máu, làm giảm chất lượng giấc ngủ, giấc ngủ có thể bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải vào ngày hôm sau.
  • Đau đầu, mệt mỏi, không tỉnh táo, giảm khả năng tập trung vào ngày hôm sau.
  • Buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
  • Tăng huyết áp: Khi ngừng thở trong vài giây, hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể sẽ hoạt động, làm tăng huyết áp để tăng trao đổi không khí. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tiến triển dần thành bệnh cao huyết áp.

 

Đối tượng dễ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ

   Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, các đối tượng dưới đây thường có nguy cơ cao gặp tình trạng này:

  • Nam giới trên 40 tuổi, chu vi cổ to.
  • Người béo phì: Do trọng lượng tăng ở miệng, lưỡi, cổ gây khó thở.
  • Người có các đặc điểm: Amidan hoặc lưỡi bị phì đại, hẹp hàm trên,…
  • Di truyền: Nếu gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ, bạn sẽ có nguy cơ cao gặp tình trạng này.
  • Bệnh lý: Dị ứng, nghẹt mũi, trào ngược dạ dày thực quản, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não...
  • Người hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất gây nghiện.

 

Người lạm dụng rượu bia có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ

Người lạm dụng rượu bia có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ

 

   Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là nguyên nhân hàng đầu gây buồn ngủ ban ngày, làm giảm hiệu suất công việc, tăng nguy cơ gặp tai nạn lao động.

   Đặc biệt, cơ thể thiếu oxy về đêm và rối loạn giấc ngủ lặp đi lặp lại sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (suy tim, rung nhĩ), gan nhiễm mỡ, đột quỵ… Bởi vậy, ngay khi có dấu hiệu của tình trạng này, bạn nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

 

Cách điều trị ngưng thở khi ngủ

   Những biện pháp điều trị ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt: Với hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ nghiêng, thay đổi lối sống như giảm bia rượu, thuốc lá…
  • Với những bệnh nhân ở mức độ trung bình hoặc nặng:
  1. Đeo máy thở áp lực dương liên tục CPAP khi ngủ: Áp suất từ máy thổi khí sẽ đẩy không khí đi qua mũi, cổ họng, giảm tình trạng thiếu oxy.
  2. Sử dụng thiết bị nha khoa: Những thiết bị này có thể định vị lại hàm dưới và lưỡi để thông thoáng đường thở.
  3. Phẫu thuật: Được áp dụng khi nguyên nhân gây ngưng thở lúc ngủ do bất thường về lưỡi, xương hàm…

   Đến đây, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng nên bạn cần thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222