Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Viêm não Nhật Bản - Đừng chủ quan với căn bệnh này?

Thứ sáu, 24-02-2023 11:45 AM

Mục lục [Ẩn]

 

   Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải. Không những dễ lây lan, mà căn bệnh này còn có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 25 - 30%. Không những vậy, 50% số người được chữa khỏi phải sống suốt phần đời còn lại với nhiều di chứng nặng nề. Trong bài bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh viêm não Nhật Bản và cách phòng ngừa nhé!

 

Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản - Đừng chủ quan với căn bệnh này?

 

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh như thế nào?

   Viêm não Nhật Bản là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường máu, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Nguyên nhân viêm não Nhật Bản là do virus JEV gây ra.

   Tên gọi viêm não Nhật Bản bắt nguồn từ một vụ dịch xảy ra năm 1924. Đợt dịch này có hơn 6000 người Nhật Bản mắc bệnh, nhiều người trong số đó đã tử vong. Năm 1933, các nhà khoa học đã xác định được tác nhân gây bệnh, đặt tên là virus viêm não Nhật Bản. Năm 1935, loại virus này được phân lập thành công.

    Ở Việt Nam, ca bệnh viêm não Nhật Bản đầu tiên được ghi nhận vào năm 1952. Nguồn chứa virus là các loại chim hoang dã và gia súc, đặc biệt là lợn. Bệnh lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi Culex, và thường bùng phát thành dịch vào mùa hè, nhất là từ tháng 5 - 7.

   Virus viêm não Nhật Bản sau khi xâm nhập vào cơ thể, sẽ đi theo đường máu và có thế tấn công trực tiếp vào não bộ. Tỷ lệ tử vong do căn bệnh này lên đến 30%. Một nửa số người khỏi bệnh mang theo di chứng thần kinh vĩnh viễn như: động kinh, Parkinson, giảm khả năng học tập, chậm phát triển trí tuệ, liệt, giảm khả năng ngôn ngữ,… để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

  Điều đáng nói ở đây là bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu của bệnh nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản. Trong đó, trẻ em dưới 15 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao, đặc biệt là ở nhóm trẻ 5 - 9 tuổi.

 

Muỗi Culex

Muỗi Culex là trung gian truyền bệnh

 

Cách nhận biết triệu chứng viêm não Nhật Bản

   Sốt cao, co giật, hôn mê là 3 triệu chứng điển hình nhất của viêm não Nhật Bản, thường chỉ xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi. Tuy nhiên, lúc này, người bệnh có thể đã gặp phải viêm não ác tính. Chỉ trong 24 giờ, người bệnh co giật, rơi vào hôn mê, rồi ngừng thở, ngay cả thở máy cũng có thể không còn hiệu quả, vì não đã bị hoại tử, dẫn đến chết não.

   Do đó, nếu thấy những biểu hiện đầu tiên của viêm não Nhật Bản, bạn nên đưa người bệnh nhập viện ngay lập tức. Triệu chứng bệnh theo từng giai đoạn có thể kể đến như:

Giai đoạn ủ bệnh

   Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5 – 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt của bệnh.

Giai đoạn khởi phát

   Sau giai đoạn ủ bệnh, virus viêm não Nhật Bản vượt qua hàng rào máu não và gây phù não. Người bệnh sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C hoặc hơn, kèm theo các triệu chứng khác như: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn.

   Trong 1 – 2 ngày đầu, người bệnh có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay tăng phản xạ gân xương tăng,… Trẻ nhỏ còn có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn giống như ngộ độc ăn uống.

Giai đoạn toàn phát

   Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày 6 – 7, triệu chứng viêm não Nhật Bản tiến vào giai đoạn toàn phát. Triệu chứng bệnh nổi bật nhất là tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú như: Liệt chân, tay, các dây thần kinh sọ não bị tổn thương, đặc biệt là các dây vận nhãn và dây thần kinh mặt.

   Bắt đầu từ ngày thứ 3 – 4 của giai đoạn này, người bệnh đã có thể từ mê sảng dần rơi vào hôn mê sâu, kèm theo nhiều triệu chứng như:

  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Da lúc đỏ, lúc tái.
  • Mạch nhanh, tăng huyết áp.
  • Rối loạn nhịp thở và tăng tiết dịch trong lòng khí phế quản.
  • Cuồng sảng, ảo giác, kích động.
  • Tăng trương lực cơ khiến cho người bệnh nằm co quắp và có các cơn xoắn vặn, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi. Một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.

   7 ngày đầu cũng là giai đoạn có nguy cơ tử vong cao nhất. Những người vượt qua được giai đoạn này sẽ có tiên lượng tốt hơn.

Giai đoạn lui bệnh

   Bắt đầu từ tuần thứ 2 trở đi, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ. Vào ngày thứ 10, nếu không xảy ra bội nhiễm, người bệnh sẽ hết sốt. Người bệnh dần dần hồi tỉnh, không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể phải đối mặt với một số di chứng vĩnh viễn như rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, liệt, co giật, động kinh, nằm liệt giường….

 

Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản

Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản

 

    Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh đều gặp phải những triệu chứng như trên, rất nhiều người còn không có triệu chứng mà vẫn có đáp ứng miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản. Một số người lại chỉ có hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc (sốt cao, xung huyết, nhức đầu), nhưng không có triệu chứng của hội chứng não - màng não. Một số khác lại chỉ gặp viêm màng não như trẻ lớn và thanh niên.

 

Viêm não Nhật Bản được điều trị bằng cách nào?

   Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Mục tiêu chính trong điều trị là khắc phục các triệu chứng như:

-Chống phù nề não bằng cách truyền các loại dịch ưu trương để làm tăng áp lực thẩm thấu máu, nhằm rút nước ở các tổ chức, tế bào và trong khoang gian bào vào lòng mạch. Trường hợp nặng có biểu hiện co giật thì sử dụng Corticoid để giúp ổn định sự thẩm thấu của mạch máu, ngăn tích lũy nước và muối ở tổ chức não.

  • An thần cắt cơn giật bằng Seduxen qua sonde hoặc tiêm bắp, tĩnh mạch; hoặc dung dịch liệt hạch truyền tĩnh mạch nhỏ giọt Aminazin + Thiantan + Spartein. Trường hợp co giật nhiều thì có thể dùng Gardenal.
  • Hạ nhiệt bằng cách cởi quần áo và chườm đá vào bẹn, nách, cổ; xoa cồn long não; quạt; hoặc dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde, truyền tĩnh mạch hoặc thụt giữ qua trực tràng.
  • Hồi sức hô hấp và tim mạch bằng cách thở oxy, lau hút đờm dãi, và trợ thở khi gặp tình trạng rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở. Ngoài ra, người bệnh còn được bổ sung nước điện giải kịp thời, dùng thuốc trợ tim. Trường hợp cần thiết có thể sử dụng các thuốc vận mạch.
  • Chống bội nhiễm bằng kháng sinh Ampicillin hoặc Cephalosporin thế hệ 3, kết hợp với thường xuyên lau rửa, vệ sinh răng miệng, đặt sonde tiểu. Sử dụng đệm cao su bơm hơi hoặc đệm nước để vào các điểm tỳ đè (như vùng mông, gót chân,...) và thường xuyên thay đổi tư thế cho bệnh nhân để phòng tránh hiện tượng loét các điểm này. Bạn hãy đảm bảo bổ sung đầy đủ đạm và vitamin.

 

điều trị viêm não nhật bản

Người bệnh có thể được dùng kháng sinh khi có bội nhiễm

 

Phòng ngừa viêm não Nhật Bản bằng cách nào?

   Biện pháp tốt nhất để đối phó với viêm não Nhật bản chính là tiêm phòng vacxin. Trên thực thế, nhờ có vacxin, tỷ lệ mắc bệnh lý này ở nước ta đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay, nước ta đã có loại vacxin tiêm phòng cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, và cả người lớn.

   Bên cạnh việc tiêm chủng để tạo miễn dịch thụ động, bạn cũng nên giữ vệ sinh môi trường. Những khu vực có nguy cơ cao bùng phát hoặc đang có dịch viêm não Nhật Bản, cần áp dụng các biện pháp dùng hóa chất diệt muỗi và dùng hương xua diệt muỗi. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp rất hữu hiệu nhưng cần tiến hành đồng bộ, không được bỏ sót bất kỳ một địa điểm nào, nhằm loại bỏ hết  nơi trú ẩn của muỗi.

   Bên cạnh đó, mọi người cần giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát, loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Nếu gia đình có khu vực chuồng trại chăn nuôi thì cần được vệ sinh thường xuyên, tốt nhất là để xa khu vực nhà ở. Khi ngủ, bạn phải nằm màn để không bị muỗi đốt. Ngoài ra, mọi người cũng cần tăng cường tiêu diệt bọ gậy và diệt muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức.

   Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về bệnh viêm não Nhật Bản và cách phòng ngừa tối ưu nhất. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 0243.766.2222 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222