Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bị sốt xuất huyết rồi có bị lại không?

Thứ ba, 28-02-2023 14:09 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Sốt xuất huyết trong những năm gần đây đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Bệnh xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, có diễn tiến nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong. Chính vì vậy, mối lo sốt xuất huyết có thể tái phát vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của mỗi người bệnh đã từng trải qua căn bệnh này. Vậy “bị sốt xuất huyết rồi có bị lại không?”, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để trả lời cho câu hỏi trên.

 

Bị sốt xuất huyết rồi có bị lại không?

Bị sốt xuất huyết rồi có bị lại không?

 

Sốt xuất huyết: Thực trạng tại Việt Nam và toàn thế giới

   Sốt xuất huyết lần đầu được ghi nhận là vào những năm 1778-1780 ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ. Nếu như trước năm 1970 chỉ có 9 quốc gia trên thế giới có dịch lưu hành thì con số này đã tăng lên gấp hơn 4 lần vào năm 1995 và tính tới thời điểm hiện tại, hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới đã từng xuất hiện căn bệnh này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm có khoảng từ 50 đến 100 triệu người mắc bệnh và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết toàn cầu đã tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua.

   Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2022 cả nước ghi nhận tổng cộng 361.813 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 133 ca tử vong. Đây rõ ràng là một con số khổng lồ, đòi hỏi cần có sự can thiệp nhiều hơn để giảm thiểu gánh nặng mà sốt xuất huyết mang lại trong những năm tiếp theo.

 

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

   Sốt xuất huyết Dengue (thường được gọi tắt là sốt xuất huyết) là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây ra, lây từ người sang người thông qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti). Muỗi vằn sau khi hút máu của người nhiễm bệnh sẽ đốt (chích) sang người khỏe mạnh và làm lây lan virus.

   Sự xuất hiện và bùng phát của dịch sốt xuất huyết có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố nhiệt độ và lượng mưa. Theo đó, tại các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới (trong đó có Việt Nam) thì mùa mưa là khoảng thời gian bùng phát mạnh mẽ nhất của căn bệnh này. Lượng mưa lớn cùng với khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn (các vector truyền bệnh) phát triển, từ đó làm lây lan dịch bệnh nhanh chóng. Tại Việt Nam thì hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 10 là khoảng thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

 

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết

   Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng và trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt

   Các biểu hiện lâm sàng bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột lên tới 39-40 độ C và sốt liên tục.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết: Quan sát thấy có vết chấm xuất huyết rải rác dưới da.

 

Xuất huyết dưới da

Xuất huyết dưới da là triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết

 

  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Giai đoạn nguy hiểm

   Thường vào ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh.

  • Người bệnh sốt xuất huyết có thể giảm sốt hoặc vẫn còn sốt.
  • Đau bụng nhiều và liên tục nhất ở vùng gan.
  • Bệnh nhân có thể bị thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài từ 48-72 giờ) gây tràn dịch màng phổi dẫn đến suy hô hấp, tràn dịch màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi, huyết áp kẹt (là hiệu số giữa huyết áp tối đa và tối thiểu  20mmHg) hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, không bắt được mạch, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
  • Xuất huyết nặng hơn giai đoạn sốt: Xuất huyết dưới da tạo các nốt xuất huyết hoặc tạo thành các mảng bầm tím. Xuất huyết niêm mạc gây chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu ra máu. Một số trường hợp có thể xuất huyết nặng ở đường tiêu hóa, phổi, não, gan, thận, kèm theo sốc, giảm tiểu cầu và suy đa phủ tạng, những trường hợp này dễ dẫn đến tử vong.

Giai đoạn hồi phục

   Thường bắt đầu ở khoảng ngày từ 7-10 của bệnh.

  • Người bệnh hết sốt, sức khỏe tốt dần lên, thèm ăn, huyết áp ổn định, đi tiểu nhiều hơn.
  • Có thể xuất hiện ngứa ngoài da.
  • Bạch cầu và tiểu cầu dần trở về mức bình thường.

 

Điều trị sốt xuất huyết

   Khi nhận thấy có các biểu hiện của sốt xuất huyết, cần lập tức tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, chẩn đoán và phân loại mức độ bệnh. Đa phần bệnh phân sốt xuất huyết có thể được điều trị ngoại trú (tức là điều trị ở nhà) và tái khám định kỳ theo chỉ dẫn. Một số trường hợp sau có thể được xem xét điều trị nội trú (điều trị ở bệnh viện):

  • Sống một mình
  • Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng
  • Gia đình không có khả năng theo dõi sát
  • Trẻ nhũ nhi (trẻ trong giai đoạn từ 1 tháng đến 1 năm tuổi)
  • Thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ có thai
  • Người lớn tuổi (>60 tuổi)
  • Người có bệnh mãn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen phế quản, COPD, đái tháo đường, thiếu máu tan máu…).

   Những trường hợp cần phải điều trị nội trú sẽ tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Những lời khuyên dưới đây sẽ áp dụng cho những trường hợp điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Điều trị triệu chứng

   Điều trị triệu chứng của sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị cắt cơn sốt. Nếu người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C thì cần nới lỏng quần áo, lau mát bằng nước ấm kết hợp với thuốc hạ sốt.

   Thuốc hạ sốt được dùng là paracetamol, liều dùng từ 10-15 mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách nhau từ 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không được quá 4000mg/24 giờ. Nếu bệnh nhân không thể hạ sốt thì phải đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

   Chú ý: Không dùng thuốc hạ sốt aspirin hoặc ibuprofen với bệnh nhân sốt xuất huyết vì làm tăng nặng tình trạng xuất huyết.

Bù dịch

   Sốt cao khiến người bệnh mất nước. Bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết bằng nước đun sôi để nguội, nước oresol (nước điện giải), nước trái cây (dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối. Không nên uống nước có màu sẫm (xá xị, socola…) vì có thể gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.

Theo dõi

   Người bệnh sốt xuất huyết tái khám theo chỉ định ban đầu của bác sĩ hoặc khi có một trong những biểu hiện sau: vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng ngày càng nặng, nôn ói nhiều, không tiểu trên 6 giờ, chảy máu mũi, chảy máu miệng hoặc xuất huyết âm đạo, tứ chi lạnh.

 

Bị sốt xuất huyết rồi có bị lại không?

   Câu trả lời là: Có. Mỗi người có thể bị tối đa 4 lần sốt xuất huyết trong suốt quãng đời của mình.

   Nguyên nhân là bởi vì sốt xuất huyết có tới 4 tuýp là DEN1, DEN2, DEN3, DEN4. Khi một người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus dengue thì sẽ có miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, họ vẫn hoàn toàn có thể bị nhiễm các chủng virus còn lại. Và thông thường, những lần mắc sốt xuất huyết sau sẽ nặng hơn lần sốt xuất huyết trước đó do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo.

 

Phòng bệnh sốt xuất huyết

   Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, các loại vacxin phòng ngừa sốt xuất huyết cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Vì vậy, hạn chế sự phát triển của các vector gây bệnh (muỗi vằn) là biện pháp tốt nhất giúp ngăn ngừa, hạn chế tốc độ lây lan của sốt xuất huyết. Sau đây là một số biện pháp cụ thể:

 

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Phòng bệnh sốt xuất huyết

 

  • Đậy kín và chủ động cọ rửa bên trong các dụng cụ chứa nước ít nhất 1 lần/tuần.
  • Loại bỏ các vật phế thải có khả năng gây đọng nước.
  • Thả cá để diệt bọ gậy.
  • Khơi thông cống rãnh.
  • Lật úp các dụng cụ chứa nước hoặc có thể chứa nước khi không dùng đến.
  • Thay nước bình hoa ít nhất 1 lần/tuần.
  • Phát quang bụi rậm.
  • Mắc màn khi ngủ.
  • Chủ động phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi.

      Sốt xuất huyết là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong ở cả người lớn và trẻ em. Phòng bệnh từ sớm chính là biện pháp tốt nhất để tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222