Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tại sao người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng cúm mùa?

Thứ năm, 29-06-2023 15:16 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Cúm mùa và tiểu đường có nguyên nhân, triệu chứng và cơ chế bệnh sinh hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, hai bệnh lý này lại có một mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau.

    Theo đó, tiêm phòng cúm mùa được khuyến cáo là một việc làm vô cùng cần thiết với người bệnh tiểu đường. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

 

Tại sao người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng cúm mùa?

Tại sao người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng cúm mùa?

 

Thông tin chung về bệnh tiểu đường và cúm mùa

   Bệnh tiểu đường và cúm mùa đều là hai bệnh lý vô cùng phổ biến hiện nay. Theo  thống kê của IDF, trên toàn thế giới có khoảng 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Với cúm mùa, mỗi năm, có khoảng 1 tỷ người mắc bệnh trên toàn cầu (theo WHO).

   Hai bệnh lý này có nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cơ chế bệnh sinh hoàn toàn khác biệt. Cụ thể:

Bệnh tiểu đường

   Đây là bệnh lý rối loạn chuyển hóa mãn tính, xảy ra do thiếu hụt hoặc tăng đề kháng insulin. Điều này khiến mức đường huyết của người bệnh tăng lên cao, hoặc lên xuống thất thường. Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như: Mệt mỏi, nhanh đói, khát nước, tiểu nhiều lần, tê bì chân tay, mờ mắt,...

   Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh tiểu đường có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Ví dụ như: Mù lòa, bệnh thận mạn, hoại tử chi, sa sút trí tuệ, suy giảm chức năng gan, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...

Bệnh cúm mùa

   Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus cúm gây nên. Bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người, thông qua các giọt bắn li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Tiếp xúc với đồ vật có chứa virus, rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng cũng có thể khiến bạn mắc bệnh.

    Triệu chứng của cúm mùa là sốt đột ngột, ho khan, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng, chảy nước mũi,... Hầu hết người mắc cúm đều có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, có trường hợp cúm mùa gây ra biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.

 

Các triệu chứng của bệnh cúm mùa

Các triệu chứng của bệnh cúm mùa

 

Tại sao người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng cúm mùa?

   Chúng ta có thể thấy, bệnh tiểu đường và cúm mùa là hai tình trạng khác biệt nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người bệnh tiểu đường được khuyến cáo cần tiêm phòng cúm định kỳ hàng năm.

   Nguyên nhân là do người bệnh tiểu đường rất dễ bị mắc cúm. Đồng thời, nhiễm cúm mùa cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ biến chứng nặng.

   Cụ thể, đường huyết cao làm suy giảm khả năng miễn dịch và sức đề kháng.  Người bệnh tiểu đường sẽ rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây nhiễm trùng, trong đó có virus cúm. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, có khoảng 30% người bệnh nhập viện do cúm là bệnh nhân tiểu đường.

   Nhiễm cúm cũng khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn. Người bệnh sẽ bị tăng đường huyết nhiều và có khả năng gặp phải biến chứng nhiễm toan ceton. Đây là một trong những biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường, có thể đe dọa đến tính mạng.

    Đồng thời, cúm mùa ở người bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ biến chứng ác tính cao hơn. Người bệnh dễ rơi vào mê sảng, co giật, mạch nhanh, tụt huyết áp,... Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp, trụy tim mạch. Một nghiên cứu của Ấn Độ cho thấy, người bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong do cúm cao gấp 2 lần bình thường.

   Tiêm phòng cúm mùa có thể bảo vệ người bệnh tiểu đường trước những nguy cơ này. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ nhập viện do cúm ở bệnh nhân tiểu đường giảm đến 79% khi được tiêm vacxin.

   Nguy cơ của các biến chứng viêm phổi, suy tim, đột quỵ cũng giảm theo. Người bệnh tiểu đường được tiêm phòng cúm có tỷ lệ tử vong do tất cả nguyên nhân thấp hơn 24% so với người không tiêm chủng.

 

Tiêm vacxin phòng cúm mùa giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng cho người bệnh

Tiêm vacxin phòng cúm mùa giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng cho người bệnh

 

Vacxin phòng cúm mùa cho người bệnh tiểu đường

    Hai loại vacxin phòng cúm mùa đang được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là:

  • Vacxin dạng bất hoạt chứa virus cúm đã bị tiêu diệt bằng nhiệt, tia xạ hoặc hóa chất. Tuy nhiên, kháng nguyên của virus vẫn hoạt động và hệ miễn dịch dựa vào đó để sản sinh ra kháng thể phòng bệnh.
  • Vacxin sống giảm độc lực chứa virus gây bệnh nhưng đã bị làm cho yếu đi. Về cơ bản, tiêm vacxin sống giảm độc lực là đưa vào cơ thể một lượng virus rất nhỏ. Chúng có thể nhân lên và kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.

    Theo đó, người bệnh tiểu đường được khuyến cáo là chỉ nên tiêm vacxin cúm dạng bất hoạt. Mặc dù vacxin sống giảm độc lực tạo được miễn dịch hiệu quả nhất, nhưng có thể gây khởi phát cúm ở người bệnh tiểu đường do hệ miễn dịch của họ suy giảm.

 

Người bệnh tiểu đường cần lưu ý gì khi tiêm phòng cúm mùa?

   Một số lưu ý cho người bệnh khi tiêm phòng cúm mùa bao gồm:

  • Thông báo với các chuyên gia y tế về tình hình sức khỏe, tiền sử dị ứng các loại thuốc đang sử dụng trước khi tiêm phòng cúm.
  • Tiêm phòng cúm định kỳ hàng năm do virus cúm có khả năng biến đổi rất nhanh theo thời gian.
  • Người bệnh nên tiêm phòng vacxin phòng cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng trước khi mùa cúm đạt đỉnh. Mùa cúm tại Việt Nam đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10.
  • Sau khi tiêm, người bệnh có thể bị nổi ban đỏ, sưng nhẹ, sốt, sổ mũi, đau đầu, đau mỏi cơ,... Các triệu chứng này có thể biến mất sau 1 - 2 ngày.
  • Nếu người bệnh bị sốt cao, co giật, đau bụng, nôn mửa, tụt huyết áp nhanh, hít thở khó khăn,... thì cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

 

Người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng cúm mùa định kỳ hàng năm

Người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng cúm mùa định kỳ hàng năm

 

Cách phòng ngừa cúm mùa cho người bệnh tiểu đường

   Tiêm phòng cúm mùa chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, chứ không cung cấp sự bảo vệ 100% trước virus cúm. Do đó, người bệnh tiểu đường vẫn cần thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không cho tay lên mắt, mũi, miệng,...
  • Hạn chế tối đa đến những nơi đông người trong mùa dịch cúm bùng phát.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang có biểu hiện mắc cúm như: Ho, sốt, hắt hơi, chảy nước mũi,...
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục, tắm nắng thường xuyên, bổ sung lợi khuẩn để giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Kiểm soát tốt đường huyết bằng cách hạn chế ăn đồ ngọt, nhiều tinh bột, tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước, thư giãn để giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc,...

   Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về việc tại sao người bệnh tiểu đường cần tiêm phòng cúm mùa. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 0243.766.2222. Cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian theo dõi!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222