Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Các bệnh thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng ngừa

Thứ sáu, 27-10-2023 10:33 AM

Mục lục [Ẩn]

 

   Mưa lũ kéo dài và ngập lụt tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh vi khuẩn, virus và nấm sinh sôi nảy nở. Nếu không có biện pháp phòng bệnh phù hợp, ai cũng có thể mắc bệnh. Vậy đâu là các bệnh thường gặp mùa mưa lũ? Làm thế nào để phòng ngừa? Mời bạn theo dõi bài viết sau!

 

 Các bệnh thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng ngừa

Các bệnh thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng ngừa

 

Các bệnh thường gặp mùa mưa lũ là bệnh nào?

Thương hàn

   Thương hàn là một trong các bệnh thường gặp mùa mưa lũ, do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Nguyên nhân do điều kiện vệ sinh kém cùng với nguồn nước ô nhiễm, chứa nhiều mầm bệnh khiến các bệnh đường tiêu hóa thường bùng phát, trong đó có thương hàn.

   Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể người cảm thụ, trung bình từ 8 - 14 ngày.

   Để phòng bệnh, mọi người cần tiêm chủng vaccine kịp thời. Bên cạnh đó, mọi người thực hiện vệ sinh thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt, xử lý chất thải sau mưa lũ.

Các bệnh về da

   Điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh khiến người dân dễ gặp các bệnh về da sau:

  • Nước ăn chân: Nguyên nhân do bị nhiễm nấm Candida và Blastomyces. Nấm xâm nhập và phát triển, hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc này, chân bệnh nhân có những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều. Sau khi gãi lột lớp da chết thì để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.
  • Ghẻ: Ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes Scabies xâm nhập da. Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Bệnh nhân có mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.
  • Viêm nang lông: Vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày. Bệnh nhân có những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch.
  • Chốc lở: Là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Bệnh nhân có mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.
  • Viêm kẽ do vi khuẩn: Thiếu nước sạch vệ sinh, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn Corynebacterium minutissimum phát triển và gây bệnh. Bệnh nhân bị viêm ở hai bẹn, nách, cổ và nếp lằn vú ở phụ nữ. Thương tổn là những đám da màu đỏ, bờ rõ, có vảy mỏng, hầu như không ngứa, trừ phi bị ở bẹn có cảm giác châm chích khó chịu.

 

Nước ăn chân là bệnh lý thường gặp mùa mưa lũ.

Nước ăn chân là bệnh lý thường gặp mùa mưa lũ.

 

Đau mắt đỏ

   Vào mùa mưa lũ, độ ẩm không khí cao, xung quanh ngập lụt, con người sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ bùng phát.

   Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng và nhiều nguyên nhân khác gây ra.

   Các triệu chứng đau mắt đỏ là:

  • Đỏ mắt.
  • Ngứa hoặc cộm ở mắt.
  • Tiết nhiều dịch ở mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đóng màng, ghèn sau khi thức dậy.
  • Chảy nước mắt.

   Bệnh lây lan nhanh và nếu không được chữa trị đúng cách bệnh sẽ kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực về sau này. Vì thế trong thời gian mưa lũ kéo dài mọi người hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh cơ thể tốt nhất để hạn chế những loại bệnh này.

Sốt xuất huyết

   Thời tiết ẩm ướt và mưa kéo dài, mực nước dâng cao khi lũ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản và gây bùng phát dịch sốt xuất huyết. Những biểu hiện sớm của người bệnh sốt xuất huyết là:

  • Sốt cao từ 39-40 độ.
  • Đau nhức đầu dữ dội.
  • Đau các khớp cơ.
  • Buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn.
  • Phát ban.

    Bệnh gây ra nhiều biến chứng và hiện nay cũng chưa có thuốc đặc trị. Căn bệnh này lây lan khá nhanh từ người bệnh nhiễm vi rút sang người lành qua vết đốt. Trẻ em và phụ nữ mang thai là 2 đối tượng có nguy cơ hàng đầu.

 

 Các triệu chứng sốt xuất huyết.

Các triệu chứng sốt xuất huyết.

 

Những bệnh đường hô hấp

   Một số bệnh đường hô hấp thường gặp trong mùa mưa lũ có thể kể đến như cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi họng, viêm xoang…Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp.

   Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp:

  • Đau họng khi nuốt, rát cổ họng.
  • Sốt.
  • Khàn tiếng, ho do bị kích ứng đường hô hấp trên.
  • Có thể kèm theo sổ mũi.
  • Khó thở cũng là triệu chứng rất dễ gặp khi mắc các bệnh hô hấp.

   Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt, các bệnh này có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

Khuyến cáo phòng các bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ

   Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như:

  • Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm.
  • Rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
  • Thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước, dùng hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
  • Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
  • Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
  •  Ngoài ra, người dân cần chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn.

 

 Biện pháp phòng bệnh mùa lũ theo Bộ Y tế.

Biện pháp phòng bệnh mùa lũ theo Bộ Y tế.

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc nắm được các bệnh thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng bệnh. Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý điều trị tại nhà để tránh mất thời gian, làm bệnh thêm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tránh lây lan dịch bệnh cho những người xung quanh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222