Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Thứ ba, 06-06-2023 17:04 PM

Mục lục [Ẩn]

 

    Trong thời điểm TP. Hồ Chí Minh đang bùng dịch tay chân miệng ở trẻ em và tình trạng khan hiếm thuốc điều trị, Bộ Y tế đã yêu cầu tăng cường trong công tác phòng, chống dịch. Đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà mỗi chúng ta cũng cần thực hiện biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Điều đó sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong giai đoạn này.

 

Hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

 

Một số thông tin cơ bản về bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Tay chân miệng là bệnh gì?

   Tay chân miệng là một hội chứng bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh là  do các chủng virus Enterovirus với hai nhóm thường gặp, gồm Coxsackie A16 hoặc enterovirus 71 (EV71). Trong đó, EV71 ít gặp nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề hơn.

    Tất cả những người chưa từng mắc bệnh tay chân miệng đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi. Trong đó, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Điều đáng lo ngại là trẻ càng nhỏ thì càng dễ gặp biến chứng nguy hiểm.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng

    Không phải ai mắc tay chân miệng cũng có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Bệnh trải qua 4 giai đoạn với những triệu chứng tương ứng như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Chưa có biểu hiện, trẻ vẫn hoạt động bình thường.
  • Giai đoạn khởi phát (kéo dài 1 – 2 ngày): Bệnh nhân sốt nhẹ, sổ mũi, mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, đôi khi sờ thấy có hạch ở cổ và/hoặc hàm dưới.
  • Giai đoạn toàn phát (kéo dài  3 – 10 ngày):
  1. Phát ban, nổi mụn nước: Các bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối. Phát ban toàn thân.
  2. Viêm loét miệng: Có mụn nước nhỏ ở niêm mạc miệng, lợi, mặt dưới của lưỡi, má. Các bóng nước này rất dễ vỡ và tạo thành vết loét. Điều đó khiến trẻ tiết nhiều nước bọt, đau nhiều khi ăn.
  3. Giai đoạn này, trẻ có thể bị biến chứng nếu không được điều trị hiệu quả. Có thể kể đến như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi…   Khi thấy trẻ sốt cao trên 39°C hoặc sốt cao kéo dài trên 48 tiếng, nôn nhiều, ngủ lịm, quấy khóc, dễ giật mình, khó thở… thì cần cho trẻ nhập viện ngay.
  • Giai đoạn lui bệnh: Từ 7 – 10 ngày tính từ ngày bệnh khởi phát, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không xảy ra các biến chứng như trên. 

 

Bọng nước ở lòng bàn tay của trẻ

Bọng nước ở lòng bàn tay của trẻ

 

   Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2023, trên cả nước đã ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó có 03 trường hợp tử vong. Nguy hiểm hơn nữa đó là hiện tại, nước ta đang khan hiếm thuốc điều trị căn bệnh này.

    Vì lý do trên, chúng ta cần chủ động có biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ hiệu quả.

 

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

   Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Vì vậy, mỗi gia đình đều cần thực hiện biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh này, đặc biệt là đối với trẻ em trong thời kỳ dịch bệnh đang bùng phát và có diễn biến phức tạp như bây giờ.

    Các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em là:

  • Cha mẹ cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, sau khi thay tã cho trẻ, sau khi dùng nhà vệ sinh.
  • Dạy trẻ cách rửa tay sạch bằng xà phòng với 6 bước cơ bản.
  • Không để trẻ ngậm tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
  • Dọn dẹp nhà cửa, giữ vệ sinh nhà sạch sẽ (đặc biệt là các vật dụng dễ bị ô nhiễm như: Đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,...) với nước (và xà phòng nếu có thể), sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa.
  • Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với những bệnh nhi khác.
  • Hạn chế cho con đến những nơi đông người. Nếu khu vực bạn sinh sống đang có dịch, bạn có thể cân nhắc tạm thời không cho con đến nhà trẻ, trường học.
  • Cha mẹ không ăn chung thìa, bát với trẻ. Cho trẻ ăn chín, uống sôi.
  • Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đảm bảo đủ chất để tăng cường sức đề kháng.

 

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để phòng bệnh tay chân miệng

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để phòng bệnh tay chân miệng

 

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc tay chân miệng?

    Trong trường hợp trẻ đã mắc tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý:

  • Tạm thời không cho trẻ đi học hoặc đến những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng của chúng đã lui hẳn.
  • Chăm sóc trẻ bị sốt: Trong thời gian điều trị tại nhà, cha mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol khi sốt trên 38ºC với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ.
  • Hạn chế cho trẻ gãi để tránh làm vỡ mụn nước gây nhiễm trùng. Sử dụng kem chống ngứa để trẻ bớt khó chịu.
  • Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối loãng.
  • Khi tắm cho trẻ cần nhẹ nhàng, dùng nước sạch, không kỳ cọ mạnh.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.
  • Xử lý khăn giấy và tã lót trẻ đã sử dụng đúng cách, không thải bừa bãi ra môi trường.
  • Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh của trẻ. Đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.

 

Cho trẻ ăn món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa

Cho trẻ ăn món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa

 

    Như vậy, trong thời điểm dịch bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp, cha mẹ cần chủ động phòng bệnh cho con. Khi trẻ bị nhiễm bệnh, cha mẹ cần hết sức cẩn trọng, thực hiện các biện pháp giúp giảm triệu chứng, ngăn biến chứng hiệu quả.

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222