Mục lục [Ẩn]
Thời gian gần đây, nhiệt độ miền Bắc hạ xuống thấp đột ngột khiến sức khỏe của con người suy giảm, đặc biệt ở các đối tượng có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mạn tính. Để phòng bệnh, mời bạn thử áp dụng 3 biện pháp trong bài viết sau.
Thời tiết lạnh đột ngột, làm sao để phòng bệnh?
Nhiệt độ giảm đột ngột gây hại cho sức khỏe thế nào?
Việc chênh lệch nhiệt độ trong khoảng thời gian khá ngắn khiến cơ thể con người không kịp thích nghi, nhất là người già và trẻ nhỏ. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, như:
Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp
Thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến các mạch máu vùng họng miệng co lại, lượng máu lưu thông ở các vùng này giảm. Bên cạnh đó, thời tiết khô hanh hoặc ẩm ướt đi kèm khiến đường hô hấp quá khô hoặc quá ẩm gây ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ của cơ thể. Ngoài ra, việc thiếu ánh nắng mặt trời vào mùa đông cũng khiến con người bị thiếu vitamin D. Tất cả các yếu tố trên khiến sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể bị ảnh hưởng rõ rệt.
Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh hơn. Do đó, đây là thời gian các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, Covid - 19 xuất hiện.
Khiến bệnh nền trở nên nặng hơn
Thời tiết chuyển lạnh cũng có thể làm nặng nề thêm triệu chứng ở những người có bệnh nền trước đó. Trên đường tiêu hóa, thời tiết lạnh kích thích dây thần kinh phế vị, gây tăng tiết acid dạ dày, rối loạn co thắt đường tiêu hóa. Điều này khiến những người viêm loét dạ dày, hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn co thắt đại tràng... có thể bị tái phát, hoặc làm nặng nề thêm các triệu chứng sẵn có.
Ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ đột quỵ (béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu...), khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví dụ đang từ trong nhà ấm, ra cửa gặp gió lạnh sẽ dễ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim do co thắt mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp hoặc tắc mạch, có thể đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Ở những người cơ địa dị ứng, thời tiết thay đổi có thể làm nặng thêm các triệu chứng bệnh. Các bệnh nhân tiền sử viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da dị ứng rất dễ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, những người gặp các vấn đề về bệnh xương, khớp, các bệnh mạn tính đường hô hấp như viêm xoang/họng mạn tính, giãn phế quản, COPD... khi gặp thời tiết lạnh cũng rất dễ bị tác động.
Thời tiết lạnh khiến các triệu chứng hen phế quản trầm trọng hơn.
3 việc nên làm để phòng bệnh khi trời rét hại
Ăn nhiều hoa quả
Ăn nhiều hoa quả sẽ giúp bổ sung các vitamin tốt cho cơ thể, giúp nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, bạn nên ăn các loại hoa quả giàu vitamin C như cam, quýt, ổi,... Bổ sung đủ lượng Vitamin C cần thiết sẽ giúp các globulin miễn dịch tăng, bạch cầu hoạt động cũng tốt hơn. Ngược lại, sự thiếu hụt Vitamin C khiến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tăng lên, da xấu và dễ nứt hơn.
Uống trà nóng
Thời tiết lạnh khiến chúng ta dễ bị đau họng, ho dai dẳng, thường vào sớm và tối. Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam cho biết vào mùa lạnh, chúng ta nên uống gừng, sả, mật ong, tăng cường miễn dịch, giảm đau họng, ho sốt.
Ví dụ: Trong trường hợp bị ho lâu ngày không dứt, ho có đờm thì bạn có thể dùng gừng giã dập, chưng với mật ong để ngậm. Để giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho tiêu hóa, chữa ho và viêm họng hiệu quả thì bạn có thể uống hỗn hợp nước ấm pha chanh và mật ong, uống từng ngụm nhỏ.
Trà xanh, trà cúc chứa nhiều chất chống oxy hóa, tăng cường chức năng gan và khuyến khích sản xuất enzyme giải độc. Các chất chống oxy hóa trong trà xanh cũng giúp ngăn ngừa mụn cóc, bệnh gan, các vấn đề tiêu hóa, nhiễm khuẩn và nhiều loại ung thư.
Ngâm tay chân trước khi ngủ
Bạn có thể ngâm tay, chân trong nước ấm khoảng 15-20 phút trước khi đi ngủ để tăng huyết lưu thông, giúp tinh thần thoải mái, ngủ ngon hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên massage lòng bàn tay, lòng bàn chân thường xuyên để tuần hoàn máu ở vùng này được tăng cường, giúp tay chân ấm nóng.
Ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ.
Như vậy, thời tiết lạnh đột ngột gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của chúng ta. Trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, ngoài 3 biện pháp trên, bạn cần ăn uống đủ chất, tập luyện, duy trì thuốc và đi viện kịp thời khi có dấu hiệu trở nặng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Phế cầu khuẩn vào mùa, người dân cần chủ động tiêm chủng ngừa viêm phổi
- Tiêm “tai Phật” phát tài lộc: Nhiều người vỡ mộng