Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bệnh thủy đậu lây qua đâu, điều trị sao cho hiệu quả?

Thứ năm, 09-02-2023 16:14 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Khi trời vào xuân, thời tiết bắt đầu ấm và ẩm hơn tạo điều kiện cho nhiều mầm bệnh truyền nhiễm hoành hành, trong đó tiêu biểu như là thủy đậu. Đây là một bệnh lý tương đối lành tính thế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng trang bị kiến thức để phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh thủy đậu qua bài viết sau đây nhé.

 

Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu lây qua đâu, điều trị như thế nào?

 

Thủy đậu là bệnh gì và lây nhiễm qua đâu?

   Bệnh thủy đậu (tên tiếng anh là Chickenpox) hay còn gọi là trái rạ hay phỏng dạ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus có tên Varicella zoster gây ra. Khi virus này xâm nhập vào cơ thể sẽ tiến hành nhân rộng số lượng ở niêm mạc đường hô hấp trên và tế bào biểu mô. Sau khoảng 1 đến 3 tuần ủ bệnh, trên cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện các mụn nước trên nền ban đỏ và lan rộng dần ra.

   Bệnh được lây truyền từ người này qua người khác thông qua các dịch tiết hoặc giọt bắn từ đường hô hấp khi tiếp xúc nói chuyện, ho và hắt hơi. Ngoài ra, người khỏe mạnh cũng có thể bị lây bệnh nếu có động chạm vào mụn nước của người bệnh hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng,…

   Thủy đậu có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhưng trẻ em là đối tượng mắc nhiều hơn. Có tới 90% ca bệnh là ở trẻ từ 1 đến 14 tuổi. Đặc biệt những người chưa tiêm phòng vắc xin thủy đậu hoặc chưa từng tiếp xúc với virus gây bệnh trước đó là đối tượng dễ mắc nhất.

 

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

   Quá trình phát bệnh của thủy đậu được chia làm 4 giai đoạn với các triệu chứng khác nhau:

  • Giai đoạn ủ bệnh:

   Đây là giai đoạn virus gây bệnh đã xâm nhập vào cơ thể, đang trong quá trình tăng số lượng chứ chưa gây ra triệu chứng bất thường gì nên rất khó để nhận biết. Thời gian ủ bệnh thông thường kéo dài từ 10 đến 20 ngày.

  • Giai đoạn khởi phát:

   Khi bắt đầu phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Và 1 – 2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, với đường kính vài mm, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một số người bệnh còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.

 

nốt đỏ

Giai đoạn khởi phát bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ

 

  • Giai đoạn toàn phát:

   Tới giai đoạn toàn phát, triệu chứng sốt cao, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, đau cơ và đau đầu sẽ xuất hiện. Đồng thời, các nốt ban đỏ sẽ chuyển sang dạng nốt mụn nước hình tròn, đường kính từ 1 – 3 mm gây ngứa, rát và cực kỳ khó chịu.

   Khắp cơ thể của bệnh nhân sẽ mọc mụn nước, đôi khi mọc cả ở trong niêm mạc miệng ảnh hưởng tới việc ăn uống hằng ngày. Mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn trong trường hợp bị nhiễm trùng, mụn nước chứa mủ khiến dịch bên trong chuyển màu đục.

 

nốt ban đỏ nổi mụn nước

Giai đoạn toàn phát, nốt ban đỏ nổi mụn nước

 

  • Giai đoạn hồi phục:

   Sau 7 - 10 ngày, các mụn nước sẽ bị vỡ sau đó dần khô lại và đóng vảy, lớp da non thay thế dần được tái tạo. Dịch mụn nước chuyển từ màu trong suốt dần chuyển vàng. Quá trình vảy tiết lành cần đến 1 - 3 tuần sau đó dần bong đi và để lại các bớt màu hồng có thể lõm xuống hoặc không.

 

mụn nước bắt đầu khô và đóng vảy

Giai đoạn hồi phục, mụn nước bắt đầu khô và đóng vảy

 

   Ngoài các triệu chứng như đã kể trên, nếu người bệnh không được điều trị và kiêng phòng đúng cách thì còn phải đối mặt với một số biến chứng như: 

  • Thường gặp nhất là nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu. Chính các vết mụn nước vỡ ra, lại ngứa khó chịu nên nhiều người dùng tay tác động vào vết thương hoặc vệ sinh không đúng cách dẫn đến chảy máu bên trong, nhiễm trùng. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ - đối tượng khó kiềm chế được khi bị ngứa ngáy.
  • Viêm não là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng người lớn gặp nhiều hơn, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biến chứng thường xuất hiện sau 1 tuần người bệnh nổi mụn nước. Khi gặp biến chứng này, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu và nếu không được chữa trị kịp thời còn có thể tử vong.
  • Viêm phổi thủy đậu với biểu hiện ho nhiều, ho ra máu, khó thở, tức ngực là biến chứng thủy đậu thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 – 5 sau khi bệnh khởi phát.
  • Viêm thận, viêm cầu thận cấp cũng là biến chứng do thủy đậu gây ra. Dấu hiệu dễ quan sát nhất là người bệnh đi tiểu ra máu, suy thận.

   Ngoài ra, người bệnh thủy đậu có thể gặp một số biến chứng như viêm tai giữa và tai ngoài, viêm niêm mạc miệng, viêm cơ tim, viêm hạch lympho, viêm dây thần kinh, hội chứng Croup giả, viêm thanh quản do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy. Hay biến chứng mất nước, hội chứng sốc nhiễm độc, hội chứng Reye ở trẻ em và thanh thiếu niên dùng thuốc aspirin trong điều trị bệnh thủy đậu.

   Vậy phải điều trị bệnh thủy đậu như thế nào cho hiệu quả, cần lưu ý gì để tránh lây lan và tránh biến chứng. Nội dung tiếp theo sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề này.

 

Điều trị bệnh thủy đậu

   Hiện nay bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ. Trong trường hợp bệnh lành tính, người bệnh có thể điều trị thủy đậu tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bệnh biến chứng, người bệnh thủy đậu nên điều trị nội trú tại bệnh viện.

 

Điều trị bệnh thủy đậu

Điều trị bệnh thủy đậu

 

   Sử dụng thuốc

   Để điều trị thủy đậu hiệu quả, các loại thuốc thường được chỉ định cho người bệnh đó là:

  • Thuốc chống virus: do tác nhân chính gây ra bệnh thủy đậu là virus nên cần sử dụng này để chống lại virus, cải thiện tình trạng bệnh.
  • Thuốc giảm đau: thuốc này giúp xoa dịu cơn đau do thủy đậu gây ra, đặc biệt là các tổn thương vùng miệng.
  • Thuốc hạ sốt: khi bị sốt cao trên 38.5 nên sử dụng loại thuốc này để hạ sốt nhanh chóng.
  • Thuốc bôi tại chỗ: có thể sử dụng Xanh Methylen để bôi giúp chống bội nhiễm da, đặc biệt chỉ cần bôi những mụn nước đã bị vỡ.
  • Thuốc kháng Histamin: có công dụng giảm ngứa ngáy, giúp bệnh nhân dễ chịu, giảm việc gãi toạc mụn nước tăng nguy cơ nhiễm trùng.

   Chăm sóc bệnh thủy đậu tại nhà

   Trong thời gian điều trị tại nhà, người bệnh nên chủ động cách ly để tránh lây truyền bệnh sang người thân trong 7-10 ngày kể từ khi phát bệnh. Bệnh nhân tốt nhất là nên nghỉ ngơi, không đi học hay đi làm trong khoảng thời gian này. Song song với đó cần lưu ý một số điểm:

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để tránh cọ sát làm vỡ những vết mụn nước khiến dịch lây lan ra những vùng da xung quanh.
  • Tuyệt đối không nên gãi các nốt mụn nước vì có thể gây sẹo vĩnh viễn, và gây nhiễm trùng.
  • Chú ý giữ vệ sinh cơ thể bằng cách sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng không nên dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng, sử dụng thêm dung dịch sát khuẩn cho các nốt mụn nước thủy đậu.
  • Khi người bệnh gặp những biến chứng nguy hiểm như khó thở, tím tái, co giật, hôn mê,… người thân cần ngay lập tức đưa họ đến bệnh viện để các bác sĩ tiến hành chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Dấu hiệu để biết bạn đã khỏi bệnh: Đó là khi các mụn mủ se lại thành các nốt đen, khô đặc. Trong quá trình da hồi phục và tái tạo để hình thành da non sẽ gây ra cảm giác ngứa cho người bệnh. Người bị thủy đậu dần hồi phục không còn đau rát, phát sốt hay nóng lạnh thất thường nữa.

   Mong rằng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về triệu chứng và cách điều trị bệnh thủy đậu hiệu quả. Nếu có băn khoăn nào khác về các vấn đề sức khỏe, bạn có thể gọi tới hotline 0243.766.2222 để được tư vấn cụ thể hơn.

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222