Mục lục [Ẩn]
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 16/2 đến ngày 1/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP đã có 9 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca mắc.
Hà Nội có 9 ca ho gà tính từ đầu năm 2024 đến nay
Hà Nội có 9 ca mắc ho gà, có bé chỉ 5 tuần tuổi
Ngày 5/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca mắc ho gà trong vòng 15 ngày (từ ngày 16/2 - 1/3/2024). Trong đó, mỗi tuần ghi nhận thêm 3 ca mắc ho gà. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 9 ca mắc ho gà.
Đa phần bệnh nhân là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó còn có những bé chỉ mới 5 tuần tuổi. Qua khai thác bệnh án, bác sĩ xác định đa số trẻ mắc ho gà chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.
Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Bordetella Pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Những vi khuẩn này bám chặt vào lông mao ở đường hô hấp trên, sau đó vi khuẩn giải phóng độc tố tấn công hệ hô hấp và làm đường thở sưng lên. Trước khi có vắc xin phòng bệnh, ho gà phát triển mạnh và bùng phát thành dịch có tính chu kỳ 3 - 4 năm ở nhiều nước.
Bệnh thường được phát triển thành 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 6 đến 20 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, trẻ chưa có triệu chứng rõ rệt nào.
- Giai đoạn viêm long đường hô hấp: Kéo dài khoảng 1 đến 2 tuần, trẻ có các triệu chứng giống như bệnh viêm đường hô hấp như sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 1-6 tuần, trường hợp đặc biệt có thể trên 10 tuần. Cơn ho điển hình xuất hiện đột ngột, bất kỳ thời điểm nào nhưng thường nặng lên về đêm.
- Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng ho có thể tái phát lại gây viêm phổi.
Triệu chứng ho gà.
Nếu phát hiện các dấu hiệu bệnh và điều trị sớm, ho gà thường có đáp ứng tốt và được kiểm soát hoàn toàn. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, như:
- Viêm phổi nặng.
- Viêm não.
- Các biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng.
- Các biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.
Phòng bệnh ho gà như thế nào?
Để phòng bệnh ho gà cho trẻ, phụ huynh cần chú ý:
- Tiêm phòng vaccine ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi); mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
- Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
- Gia đình hướng dẫn trẻ thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn đúng cách, thường xuyên; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hằng ngày.
- Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tiêm vắc xin để phòng bệnh cho trẻ.
Trên đây là một số thông tin về bệnh ho gà. Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh chóng. Do đó, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ, đặc biệt là tiêm phòng vaccine theo khuyến cáo của Bộ y tế. Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ điều trị sớm.
XEM THÊM: